adscivil logo
Đang tải trang, vui lòng chờ trong giây lát...

Môi trường dữ liệu chung CDE theo tiêu chuẩn ISO 19650: Quy trình làm việc

Môi trường dữ liệu chung CDE theo tiêu chuẩn ISO 19650: Quy trình làm việc

  1. CDE là gì?

Môi trường dữ liệu chung (Common Data Environment – CDE) có thể hiểu một cách đơn giản là không gian lưu trữ thông tin thống nhất của một dự án. CDE phục vụ quá trình lưu trữ, quản lý và sử dụng các gói thông tin thông qua một quy trình quản lý được đề xuất bởi ISO 19650 - Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về quản lý thông tin trong suốt vòng đời dự án. Bản chất của CDE bao hàm các nội dung sau:

  • CDE là một nguồn thông tin mà tất cả các bên tham gia vào dự án cùng sử dụng.
  • CDE lưu trữ các gói thông tin (information container) liên quan đến dự án. Mỗi gói thông tin có thể là một tệp dữ liệu hoặc một phần mô hình dữ liệu. Các dữ liệu này có thể là dữ liệu có cấu trúc (mô hình hình học, cơ sở dữ liệu, tiến độ…) hoặc không có cấu trúc (tài liệu scan, ảnh, video…)
  • CDE vận hành theo một quy trình (workflow) lưu trữ, quản lý và chia sẻ thông tin.

Các giải pháp CDE, CDE Solution, là công nghệ hỗ trợ thực hiện quy trình làm việc của CDE, bao gồm cách thức tổ chức, lưu trữ thông tin, cách thức để quản lý sự phát triển của mô hình, sự thay đổi về trạng thái của các gói thông tin, thông báo cho những người liên quan những sự thay đổi đó. Hiện nay có nhiều giải pháp CDE hỗ trợ quy trình CDE ở các mức độ khác nhau, ở bài viết tiếp theo sẽ giới thiệu cụ thể hơn về nội dung này.

Triển khai quy trình CDE có liên quan chặt chẽ tới giải pháp công nghệ áp dụng. Như vậy, CDE vừa có tính công nghệ vừa có tính quy trình.

  1. Ai chịu trách nhiệm tạo và quản lý CDE?

Theo ISO 19650, bên giao việc (chủ đầu tư hoặc người được chủ đầu tư ủy quyền) chịu trách nhiệm thiết lập và quản lý CDE cho toàn bộ dự án. Khi chưa có CDE thì việc thiết lập CDE cần được thực hiện trước khi bắt đầu thực hiện một dự án mới, tốt nhất là trước khi phát hành hồ sơ mời thầu.

Người chịu trách nhiệm bảo mật, cập nhật, thống nhất và đồng bộ của dự án được gọi là người quản lý thông tin (Information Manager). Người quản lý thông tin không có trách nhiệm xây dựng mô hình thiết kế hoặc thực hiện phối hợp mô hình thông tin công trình.

  1. Các tiêu chí làm việc của CDE

Để quản lý thông tin, dữ liệu và mô hình một cách chuyên nghiệp, các chức năng của Môi trường Dữ liệu Chung (CDE) nên đáp ứng các tiêu chí sau:

  1. Thống nhất về tên và phân loại metadata (dữ liệu mô tả dữ liệu): Mỗi dự án nên thống nhất về quy ước đặt tên và phân loại metadata.
  2. Cấp mã (ID) duy nhất cho từng thông tin: Các thông tin nên có ID duy nhất phù hợp với quy ước đặt tên đã thống nhất.
  3. Cho phép gán giá trị cho metadata: Metadata nên được gán giá trị tuân theo quy ước. Một số loại Metadata gợi ý bởi ISO 19650 bao gồm:
    • Trạng thái (Status)
    • Phiên bản (Revision)
    • Phân loại (Classification)
  4. Cho phép gán giá trị cho từng gói thông tin  
  5. Có khả năng chỉnh sửa metadata cho từng gói thông tindựa trên trạng thái phát triển của nó.
  6. Lưu trữ lịch sử thay đổi trạng thái của gói thông tin: Ghi chép lịch sử cho mỗi thay đổi trạng thái với thông tin sau:
    • Tên người dùng
    • Ngày thay đổi
    • Phiên bản
  7. Cho phép quản lý khả năng truy cập của từng gói thông tin đơn lẻ.
  8. Quy trình làm việc CDE

    4. Quy trình làm việc CDE thực hiện dựa trên sự thay đổi trạng thái (status) của gói thông tin quản lý. Trạng thái này sẽ thay đổi theo quá trình phát triển thông tin khi thực hiện dự án.  Trong các dự án, việc thay đổi trạng thái của các gói thông tin được thực hiện bởi một trong ba giải pháp phổ biến như sau:

  • Cách thứ nhất: sử dụng metadata mô tả trạng thái của gói thông tin. Trong trường hợp này, cấu trúc CDE có dạng bảng như CDE Solution 1 minh họa trên Hình 1.

Hình 1. Giải pháp CDE dạng bảng

  • Cách thứ hai: Thiết lập cấu trúc thư mục, mỗi thư mục chứa thông tin ở trạng thái khác nhau thể hiện qua tên thư mục (ví dụ: thư mục Work In Progress chứa gói thông tin ở trạng thái đang làm việc chưa hoàn thiện để chia sẻ, thư mục Shared chứa gói thông tin ở trạng thái hoàn thiện để chia sẻ, thư mục Published chứa gói thông tin ở trạng thái có thể xuất bản, thư mục Archive chứa các thông tin lưu trữ). Trong trường hợp này, cấu trúc CDE có dạng bảng như minh họa trên Hình 2.

Hình 2. Quản lý trạng thái theo cấu trúc thư mục (Nguồn: BIMCorner.com)

  • Cách thứ ba: Kiểm soát việc cấp quyền cho người dùng trong cơ sở dữ liệu chung của dự án.

Hình 3. Quy trình CDE theo ISO 19650 (Nguồn BIMCorner.com)

Các trạng thái của gói thông tin bao gồm gồm trạng thái tĩnh (WIP, Shared, Publish, Archive) và trạng thái chuyển tiếp (Check/Review/Approve; Review/Authorize). Quy trình làm việc của CDE theo các bước thay đổi trạng thái của một gói thông tin được thể hiện trên Hình 3 với chi tiết mô tả như sau:

  • Trạng thái đang làm việc - Work In Progress (WIP)
    • Gói thông tin tồn tại ở trạng thái WIP khi các nhóm đang trong quá trình phát triển mô hình thiết kế. Chúng sẽ không được truy cập cũng như nhìn thấy bởi các nhóm làm việc khác.
    • Giải pháp CDE: lưu trữ các gói thông này sử dụng hệ thống tập tin phân tán DFS hoặc CDE nội bộ.
  • Trạng thái chuyển tiếp Check / Review / Approve: là trạng thái mà gói thông tin sẽ được kiểm tra, đánh giá, kiểm duyệt bởi người được phân công trong nhóm làm việc liên quan đến tính phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn và thủ tục.
  • Trạng thái chia sẻ - Shared: là trạng thái của các gói thông tin (tài liệu) đã được duyệt bởi các nhóm chuyên môn, có thể được sử dụng để phối hợp với các nhóm chuyên môn khác hoặc cho phép các bên liên quan tham khảo. Vùng chứa thông tin ở trạng thái Sharedtrong CDE cho phép tất cả các thành viên của dự án nhìn thấy và truy cập, tuy nhiên, không cho phép họ chỉnh sửa. Đây cũng là nơi chứa tất cả thông tin khác đang chờ bên giao việc (chủ đầu tư/khách hàng) phê duyệt.
  • Trạng thái chuyển tiếpReview/Authorize: là trạng thái mà gói thông tin được bên giao việc kiểm tra liên quan đến các yêu cầu, tiêu chuẩn và thủ tục của dự án. Nếu gói thông tin đạt yêu cầu, chúng sẽ được chuyển sang trạng thái đã xuất bản “Published”. Nếu không đạt yêu cầu, gói thông tin sẽ quay trở lại WIP để nhóm thiết kế (nhóm tạo ra gói thông tin) chỉnh sửa. Gói thông tin sẽ được thay đổi trạng thái (status) và phiên bản (revision) trong WIP và quy trình sẽ quay trở lại từ đầu. Những gói thông tin đã được duyệt sẽ được sử dụng cho quá trình thiết kế chi tiết, là cơ sở cho các nhà thầu triển khai dự án hoặc quản lý tài sản.
  • Trạng thái đã xuất bản “Published”: là trạng thái mà các thông tin đã được xác minh và ủy quyền sử dụng cho các thành viên ở giai đoạn tiếp theo của quá trình đầu tư dự án.  
  • Trạng thái lưu trữ “Archive”: ghi chép các thay đổi được thực hiện trên gói thông tin trong quá trình phát triển dự án. Các gói thông tin ở trạng thái lưu trữ có thể được sử dụng trong tình huống có tranh chấp xảy ra giữa các bên liên quan.

 

  1. Kết luận

Bài viết giới thiệu những vấn đề quan trọng liên quan đến khái niệm, các thành phần và quy trình làm việc của môi trường dữ liệu chung CDE theo hướng dẫn của tiêu chuẩn quốc tế ISO 19650 cho các dự án áp dụng BIM. Hy vọng, những chia sẻ trên đây có thể giúp người đọc hình dung được rõ hơn về CDE và có định hướng lựa chọn giải pháp CDE phù hợp.

 

BIM Team - Baezeni Soft Co., Ltd. 

Tài liệu tham khảo:

https://bimcorner.com/cde-within-iso-19650-a-process-or-a-solution/

https://www.12dsynergy.com/iso-19650-guide/

https://ukbimframework.org/wp-content/uploads/2020/09/Guidance-Part-C_Facilitating-the-common-data-environment-workflow-and-technical-solutions_Edition-1.pdf